Lịch sử chiến đấu T-72

Một chiếc T-72 bị phá hủy.

Chiến tranh Liban 1982

Lần đầu tiên T-72 được sử dụng trong chiến trận vào năm 1982 để chống lại cuộc xâm chiếm quân sự của Israel vào Liban. Ở thời điểm này, quân đội Syria có khoảng 150 xe tăng T-72 Ural mua của Liên Xô năm 1979 (những chiếc tăng này được Syria gọi là loại T-79, trong đó 79 thể hiện năm nhận hàng). Trong số 150 xe tăng này, Syria chỉ huy động một số lượng nhỏ để chiến đấu chống lại Israel, còn phần lớn được trang bị cho các đơn vị dự bị chiến lược nên không tham chiến.

T-72 Ural chỉ là phiên bản đời đầu của T-72, xe không có giáp composite, không có thiết bị đo xa laser và chỉ có kính nhìn đêm đời đầu, cũng không được trang bị loại đạn xuyên giáp kiểu mới, tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo AT-11 Sniper và hệ thống bảo vệ Drozd. Tuy nhiên, các xe tăng T-72 Ural của Syria vẫn chứng minh sự vượt trội của mình trước kỹ thuật thiết giáp phương Tây mà Israel trang bị (gồm chủ yếu là các loại M48 PattonM60 của Mỹ, và loại Magach do Israel cải tiến dựa trên M48 và M60). Sự thể hiện nằm ở khả năng cơ động lớn, sự phòng thủ cao và hỏa lực mạnh của các xe tăng T-72. Pháo 105mm trên xe tăng Centurion, M60 và Magach, loại pháo tăng chủ yếu của phương Tây thời điểm đó, đã không thể xuyên được giáp trước của T-72 Ural kể cả từ cự ly gần. Trên các tấm giáp đầu của một vài T-72 đã đếm được khoảng 10 vết lõm từ đạn xuyên giáp của địch. Mặc dù vậy, các phát đạn không xuyên qua được vỏ giáp, xe tăng vẫn duy trì được khả năng chiến đấu và không bị loại khỏi vòng chiến. Ngược lại, đạn pháo 125mm trên T-72 đủ khả năng bắn xuyên giáp trước xe tăng địch ở tầm xa 1.500 mét hoặc thậm chí xa hơn, kể cả với loại xe tăng Magach được trang bị giáp phản ứng nổ Blazer. Theo lời từ một sĩ quan Liên Xô làm cố vấn trong quân đội Syria, sau khi bị trúng đạn 125mm từ cự ly khoảng 1.200 mét, tháp pháo của xe tăng Israel đã bị vỡ tung từ đốc pháo. Theo tài liệu của Syria, các xe T-72 của họ đã tiêu diệt 33 xe tăng địch mà không chịu tổn thất nào (11 xe T-72 bị mất trong cuộc chiến đều là do bị bộ binh Israel trang bị tên lửa chống tăng TOW phục kích trên núi bắn vào nóc xe)[34]

Sau cuộc chiến, Syria đã tặng cho Liên Xô 1 chiếc xe tăng Magach tịch thu được của Israel để Liên Xô nghiên cứu các công nghệ trên xe tăng phương Tây. Đổi lại, Liên Xô đã ưu ái xuất khẩu 300 chiếc T-72A cho Syria. Đây là phiên bản T-72 cao cấp dành riêng cho quân đội Liên Xô, và ngay cả các nước trong Khối hiệp ước Warsaw khi đó cũng chỉ được mua những chiếc T-72M1, một phiên bản “hạ cấp” của T-72A (đến năm 1996, nước duy nhất không thuộc Liên Xô cũ là Hungary mới mua được T-72A từ Belarus). Tại Syria, những chiếc tăng này được biết đến là loại T-82, trong đó 82 thể hiện năm nhận hàng.

Sau cuộc chiến, Tổng thống Syria Hafez al-Assad đã ca ngợi T-72 là "xe tăng tốt nhất trên thế giới", nhấn mạnh rằng không có chiếc T-72 nào bị xe tăng Israel phá hủy trong cuộc chiến[35]

Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988)

T-72M của Iraq năm 2006

T-72 tiếp tục tham gia trong Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Trong suốt cuộc chiến, Iraq đã mua tổng cộng 1.038 chiếc T-72M và T-72M1 (các phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng của T-72), chủ yếu là từ Ba Lan[36].

  • Năm 1981, T-72 của Iraq lần đầu tiên tham chiến. Một tiểu đoàn T-72 đã giao chiến với 1 tiểu đoàn xe tăng Chieftain của Iran (Chieftain là loại xe tăng hiện đại nhất của Anh khi đó, được Iran nhập khẩu để trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ). Kết quả là toàn bộ tiểu đoàn tăng của Iran bị tiêu diệt, trong khi quân Iraq không chịu tổn thất nào[37].
  • Năm 1988, Bộ chỉ huy quân đội Iraq đã quyết định tấn công mạnh trong khu vực bán đảo Fao. Quân Iraq tiến hành mũi công kích chính vào phía tây cửa sông Shatt – al – Arab với mục đích giải tỏa đường thủy tới bến cảng Basra. Chỉ huy quân đội Iraq đã quyết định tấn công trong thời gian 4-5 ngày. Các hoạt động chiến sự diễn bắt đầu vào buổi sáng 17 tháng 4 năm 1988 bằng cuộc tấn công theo hai hướng với sự tham gia của 200.000 quân. Hướng tấn công chính bằng lực lượng xe tăng Vệ binh cộng hòa trang bị các xe tăng T-72 và T-72M, từ tuyến Al Zubari – Umm Kasr tới đông nam. Buổi sáng, cuộc tấn công quy mô lớn của xe tăng bắt đầu, dẫn đầu là T-72, đã khai hỏa với cường độ cao và dội bão đạn vào đối phương. Đối thủ duy nhất của T-72 khi đó chỉ có thể là xe tăng chủ lực "Chieftain" do Anh chế tạo, được trang bị pháo nòng rãnh xoắn 120mm. Cuộc đối đầu giữa T-72 và "Chieftain" đã dẫn đến thiệt hại cho cả hai phía, song T-72 vẫn tỏ ra trội hơn so với Chieftain. M60, M48 Patton và các xe tăng khác của Iran thì không phải là nguy cơ đe dọa lớn đối với T-72M – giáp đầu xe chịu được sức công phá của pháo tăng 105mm trên hai loại xe này. Trong điều kiện vượt trội gần như hoàn toàn về xe tăng, quân đội Iraq đã chiến thắng sau 32 giờ.

Cả hai bên, Iraq và Iran, đều ghi nhận T-72 là xe tăng đáng sợ nhất trong cuộc chiến[38][39]. Pháo 105mm trên xe tăng Iran cũng như tên lửa chống tăng BGM-71 TOW đều không thể bắn thủng giáp trước của T-72[40][41] Không chỉ vượt trội về tính năng, T-72 cũng thể hiện khả năng hoạt động tốt tại khí hậu sa mạc nhiều bụi cát, trong khi xe tăng Anh, Mỹ thường bị trục trặc khi hoạt động ở đây. Một viên chức cao cấp Iran, Afzali, trong tháng 6 năm 1981, đã ca ngợi các xe tăng T-72 "có khả năng cơ động và hỏa lực vượt trội xe tăng Chieftain của Anh", và "không có bất cứ thông số nào của Chieftain có thể so sánh được với T-72. Iran không có các phương tiện hữu hiệu để chống lại T-72".[42]

Trong suốt Chiến tranh Iran-Iraq, khoảng 60 chiếc T-72 bị phá hủy, đối lại chúng đã phá hủy hàng trăm xe tăng của Iran. Sau thành công của T-72, Iraq tìm cách tự sản xuất loại xe tăng này dựa trên việc copy phiên bản T-72M cùng với những công nghệ mua từ Trung Quốc, loại xe tăng này có tên là Sư tử Babylon[36]

Chiến tranh Vùng Vịnh (1991)

Trong quá trình Iraq tấn công Kuwait, Iraq huy động 690 xe tăng, gồm các loại T-55, T-62 và T-72.[43] Về phía Kuwait cũng có lực lượng xe tăng khá mạnh gồm 281 xe, bao gồm 6 xe M83 (phiên bản T-72 do Nam Tư sản xuất), 165 xe tăng Chieftain, 70 xe tăng Vicker và 40 xe tăng Centurion.[44]

Vào sáng 2/8/1990, gần Mutla Pass, 1 trận đấu tăng đã xảy ra giữa các xe tăng Vicker MK-1 (trang bị pháo 105mm) của Lữ đoàn cơ giới số 6 Kuwait và những chiếc T-72 thuộc Lữ đoàn xe tăng số 17 Iraq. Sử dụng chiến thuật phục kích, quân Kuwait đã hạ được 1 xe T-72, nhưng xe tăng Iraq phản công và giành chiến thắng, chỉ huy Lữ đoàn cơ giới số 6 bị bắt sống.[45] Phần lớn xe tăng của Lữ đoàn cơ giới số 6 bị tiêu diệt, chỉ còn 20 xe tăng Vicker còn sót lại đã phải bỏ chạy sang lãnh thổ Arab Saudi.

Tổng kết chiến dịch tấn công Kuwait, nhờ ưu thế tấn công bất ngờ, số lượng lớn hơn và kinh nghiệm trận mạc dày dạn hơn, quân đội Iraq đã thu được thắng lợi lớn. Quân đội Iraq chỉ thiệt hại khoảng 120 xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy[46] trong khi quân Kuwait tổn thất tới 250 xe tăng, 36 pháo tự hành M-109 cỡ 155mm, 20 pháo tự hành AMX-F3 cỡ 155mm, trên 850 xe thiết giáp bị phá hủy hoặc thu giữ[47][48][49][50]

Trong thời gian chiến dịch "Bão táp sa mạc" vào đầu năm 1991, T-72 tiếp tục được quân đội Iraq sử dụng chống lại liên quân do Mỹ chỉ huy. Lực lượng T-72 của Iraq khi đó khá đông đảo (khoảng 900 chiếc, gồm các phiên bản xuất khẩu T-72M và T-72M1 được mua từ Ba Lan), tuy nhiên phần lớn số xe T-72 này được bố trí ở các đơn vị Vệ binh Cộng hòa đóng quanh thủ đô Baghdad, nên thực tế Iraq chỉ huy động khoảng 300 xe T-72 để chống lại quân Mỹ, còn phần lớn các đơn vị xe tăng của Iraq chỉ được trang bị xe tăng kiểu cũ là T-54/55 hoặc T-62.

Lần này thì lực lượng xe tăng Iraq đã bị quân Mĩ đánh thiệt hại nặng bởi sự kết hợp của máy bay cường kích A-10 Thunderbolt, trực thăng AH-64 Apache và xe tăng M1 Abrams. Khoảng 150 chiếc T-72M/M1 của Iraq đã bị phá hủy trong chiến dịch này[51] Nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém của binh lính Iraq, việc bị không kích dữ dội và các mẫu T-72M của Iraq là phiên bản xuất khẩu đã bị cắt giảm rất nhiều tính năng so với T-72 dành cho quân đội Liên Xô.

Các xe tăng T-72M/M1 của Iraq là phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng, nó thua kém hoàn toàn cả về hỏa lực và vỏ giáp so với các phiên bản T-72A và T-72B của quân đội Liên Xô:

  • T-72M/M1 của Iraq vẫn sử dụng loại đạn xuyên giáp cũ 3BM9 vốn đã bị Liên Xô loại bỏ từ năm 1973, sức xuyên phá của loại đạn này chỉ bằng một nửa so với đạn 3BM42 kiểu mới của T-72A/B trong quân đội Liên Xô[24],
  • T-72M/M1 không có khả năng bắn tên lửa chống tăng như T-72B, giáp trước của T-72M cũng chỉ dày bằng 1/2 so với T-72B có trang bị ERA loại Kontakt-5[52]).
  • T-72M/M1 của Iraq không có thiết bị đo xa bằng laser và một số hệ thống điều khiển hỏa lực kiểu mới khác như của T-72A/B, nên khả năng bắn chính xác của nó không hơn gì nhiều so với T-62 đời đầu, và thậm chí còn kém hơn so với các xe tăng thập niên 1950 nhưng được nâng cấp (T-55AM, T-62M) của quân đội Liên Xô.

Một loạt các thông số kỹ thuật quan trọng của T-72M/M1 phần nào đó có thể sánh được với M1 và M1IP, hai phiên bản đầu tiên của M1 Abrams vẫn còn được trang bị pháo chính 105mm, nhưng với M1A1HA (phiên bản tăng cường giáp và trang bị pháo 120mm mới nhất của Mỹ khi đó, ra đời năm 1988), T-72M không có chỉ số kỹ thuật nào so sánh được. Phiên bản kiểu mới M1A1HA có thiết kế giáp đầu xe khá tốt, có các loại đạn xuyên giáp dưới cỡ nòng mạnh với lõi đạn bằng uranium nghèo, các khí tài quan sát, thông tin liên lạc hiện đại, đồng thời hệ thống điều khiển vũ khí được tăng cường khả năng tự động hóa theo tiêu chuẩn hiện đại vào năm 1990. Trong các phiên bản T-72 thời đó, chỉ có T-72B dành riêng cho quân đội Liên Xô là có thể sánh được với M1A1HA.

Ngoài ra, thất bại của Iraq còn có sự góp phần của những nguyên nhân khác như:

  • Địa hình Iraq phần lớn là sa mạc trống trải, nên xe tăng Iraq rất khó có thể ngụy trang để bất ngờ tập kích đối phương. Máy bay của không quân Mỹ thường phát hiện và dội bom phá nát đội hình chiến đấu của xe tăng Iraq, gây thiệt hại nặng cho quân Iraq trước khi họ kịp giao chiến với xe tăng Mỹ. Những lính tăng Iraq còn sống sót sau trận không kích thì thường cũng bị mất tinh thần chiến đấu, không còn khả năng điều khiển xe tăng hiệu quả, thậm chí còn bỏ xe chạy trốn. Khi xe tăng Mỹ kéo tới thì đội hình quân Iraq thường đã tan vỡ từ trước đó, không còn sức chiến đấu nữa.
  • Lính tăng Iraq nhìn chung là có trình độ huấn luyện kém hơn so với lính tăng Mỹ-Anh.
  • Đội hình xe tăng Mỹ rất đồng đều về chất lượng (hầu hết là các xe M1A1 hiện đại), trong khi đội hình xe tăng Iraq chỉ có 300 chiếc là T-72M/M1, còn phần lớn là các xe tăng kiểu cũ T-54/55 hoặc T-62 nên càng thua kém về chất lượng.
  • Ngoài ra, những chiếc T-72M/M1 của Iraq thường đã trải qua 10 năm chiến tranh với Iran trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt, nhiều linh kiện trong xe đã bị hao mòn, độ tin cậy không còn như xe mới (đặc biệt là nòng pháo đã bị mài mòn đáng kể do bắn quá nhiều lần trong các trận đánh với Iran, khiến độ chính xác bị sụt giảm nghiêm trọng), nhưng do lệnh cấm vận nên Iraq không thể nhập khẩu linh kiện thay thế[23]

Với một loạt những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan như vậy, không có gì bất ngờ khi T-72M/M1 của Iraq thất bại trong phần lớn những trận đối đầu với xe tăng của Mỹ.

Vào năm 1996, Iraq vẫn còn 776 xe tăng T-72 trong số 1.038 xe T-72 mà họ từng đặt mua[53] Tới năm 2003, số xe T-72 còn hoạt động tụt xuống còn khoảng 375 chiếc (do nhiều chiếc bị hỏng hóc mà không có phụ từng thay thế). Tuy nhiên, trong Cuộc xâm lược Iraq (2003) do Mỹ phát động, phần lớn số xe T-72 của Iraq không còn được thấy tham chiến (một phần do quân Iraq tránh giao chiến trực diện mà dùng chiến thuật du kích, phần khác là do lính tăng Iraq đã đào ngũ). Đến năm 2010, chính phủ mới tại Iraq đã có ý định nâng cấp vài trăm chiếc T-72 để sử dụng tiếp.

Chiến tranh Chechen

Trong Chiến tranh Chechen lần thứ nhất, T-72 của quân đội Nga không gặp phải đối thủ thiết giáp đáng kể, phần lớn nguy hiểm mà chúng gặp phải là từ vũ khí chống tăng của bộ binh. Do Liên Xô vừa tan rã nên quân đội Nga khi đó gặp khủng hoảng về nhân sự và tài chính, họ phải sử dụng các xe tăng chưa chuẩn bị sẵn sàng cho chiến đấu (không có giáp phản ứng nổ, một số linh kiện bị hư hỏng, tổ lái chưa được huấn luyện kỹ…), các phân đội không có sự phối hợp tốt giữa xe tăng và lính bộ binh cơ giới trong điều kiện chiến tranh đường phố. Trong khi đó, các chiến binh Checchen được chuẩn bị tốt, nhiều người từng là cựu binh trong quân đội Liên Xô nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lại được trang bị số lượng lớn các khí tài chống tăng vác vai. Mỗi xe tăng trong quá trình chiến đấu ở đường phố ở Grozny đã bị trúng 6 – 7 phát đạn từ súng RPG-7 hoặc tên lửa chống tăng. Hỏa lực chống tăng được ngắm sẵn vào những chỗ dễ bị tổn thương nhất của xe tăng như 2 bên hông xe, đuôi xe, nóc buồng động lực và phía sau tháp pháo. Trong 1 tháng chiến đấu, trong số 200 xe tăng ban đầu, đã có 62 xe tăng các loại của quân Nga bị phá hủy (một vài nguồn thống kê thiệt hại bao gồm: 15 chiếc T-72B và 5 chiếc T-72A, 17 chiếc T-80B hoặc T-80BV, còn lại là T-62). Đáng chú ý, trong số 62 xe tăng bị mất, chỉ có 1 xe bị phá hủy do trúng đạn vào khu vực có giáp phản ứng nổ, trong khi có những xe tăng bị trúng nhiều phát đạn nhưng vẫn sống sót do có giáp phản ứng nổ bảo vệ. Điều này cho thấy thiệt hại của quân Nga là do sự chuẩn bị không kỹ lưỡng và chiến thuật vụng về, chứ không phải do thiết kế xe tăng. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng của giáp phản ứng nổ đối với xe tăng trong tác chiến đô thị.[54]

Trong một số trường hợp, sự khéo léo trong hoạt động của kíp xe cho phép mang tới kết quả tốt. Ví dụ như trong tháng 1 năm 1995, xe tăng T-72B từ lữ đoàn bộ binh cơ giới 131 ("Maikopsky") đã bị tấn công đồng thời từ một số tổ súng phóng lựu RPG-7. Bằng sự cơ động khéo léo, chiếc T-72 cuối cùng đã tiêu diệt được các chiến binh và rời khỏi trận địa an toàn. Trên thân xe và tháp pháo sau đó đếm được bị trúng 7 phát đạn, nhưng không có phát đạn nào xuyên qua giáp. Năm 1995, một xe T-72 đã bị trúng liền 4 quả tên lửa AT-4 Spigot. Mặc dù vậy, các tên lửa chống tăng chỉ làm nổ các phần tử giáp phản ứng nổ, kíp xe và xe tăng vẫn duy trì được khả năng chiến đấu và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong chiến tranh Checchen lần thứ hai, thiệt hại về tăng thiết giáp của Quân đội Nga ít hơn đáng kể so với lần thứ nhất. Đã có số lượng lớn các sĩ quan có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, sự huấn luyện các kíp xe và tổ chức phối hợp chính xác, cùng sự đảm bảo về kỹ thuật trong các hoạt động chiến đấu (xe được trang bị đầy đủ giáp phản ứng nổ). Ví dụ như đại đội tăng thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 205 trong khi giải phóng khu vực Ctaropromulov thuộc Grozny tháng 12 năm 1999 đến tháng 1 năm 2000. Ví dụ như ở Grozny, hỏa lực địch chỉ làm bị thương một xe tăng của đại đội này và chỉ trong thời gian ngắn nhất nó đã được đưa đến phân đội sửa chữa của lữ đoàn, không ai trong kíp xe bị thương vong. Khoảng thời kỳ từ tháng 10 năm 1999 đến tháng 8 năm 2000, đại đội T-72 này không thiệt hại bất kỳ một người hay một chiếc xe tăng nào.

Lớp giáp phản ứng nổ của T-72 đã bảo vệ nó an toàn trước hầu hết các phát bắn trúng từ vũ khí chống tăng của bộ binh địch, kể cả khi xe bị trúng đạn vào hông (là nơi có vỏ giáp mỏng hơn phía trước). Tính từ năm 1997 tới 2003, quân Chechen chỉ phá hủy được 3 chiếc T-72, trong đó duy nhất 1 chiếc bị phá hủy trong chiến tranh Checchen lần thứ hai[55][56]

Chiến tranh Syria

Năm 2020, cuộc chiến tại Syria kéo dài sang năm thứ chín, kể từ khi những cuộc biểu tình bùng nổ ngày 26/01/2011. Hơn 120.000 quân của Chính phủ Syria bị thương vong và hơn 500.000 dân thường đã thiệt mạng trong 9 năm chiến tranh.

Trước chiến tranh, Quân đội Syria có trong tay lực lượng tăng - thiết giáp có số lượng rất lớn với khoảng hơn 5.000 xe tăng, 4.500 xe thiết giáp cùng 850 pháo tự hành các loại. Tuy có số lượng lớn, nhưng không phải toàn bộ số xe tăng, thiết giáp này đều có thể hoạt động, thực tế nhiều chiếc đã bị hư hỏng hoặc bị loại biên chờ bán phế liệu từ lâu, các xe còn hoạt động cũng chủ yếu là các xe đời cũ như T-55, T-62. Những chiếc T-72 là loại xe tăng hiện đại nhất của nước này, nhưng chủ yếu là các phiên bản T-72M1 và T-72A đã cũ kỹ, chúng đã không được nâng cấp suốt gần 30 năm, cũng ít khi được trang bị giáp phản ứng nổ.

Trong bối cảnh tác chiến đô thị hay ở các vùng địa hình hiểm trở, các loại xe tăng - thiết giáp Syria dễ trở thành mục tiêu của các loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hay của các súng chống tăng cá nhân như RPG-7, những thứ mà quân đối lập được trang bị rất nhiều nhờ viện trợ từ nước ngoài. Quân đối lập sử dụng lối đánh "du kích hiện đại": thay vì ở nguyên một chỗ và chờ kẻ địch lọt vào tầm ngắm, họ sẽ sử dụng tốc độ cao và khả năng cơ giới tốt bằng xe tải, xe ô-tô tự chế, tấn công ào ạt một mục tiêu với tốc độ cực cao và nhanh chóng chạy mất trước khi quân Syria kịp tổ chức lại đội hình để phản công.

Nhờ viện trợ từ nước ngoài, phiến quân nổi dậy được trang bị rất nhiều hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ mới do nhiều quốc gia chế tạo như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Israel... Trong đội hình của quân nổi dậy có rất nhiều xạ thủ chống tăng giàu kinh nghiệm trong tác chiến diệt xe tăng thiết giáp, tổ chức thành các tổ săn tăng nhỏ gồm từ 2 tới 3 người, cơ động, thoắt ẩn thoắt hiện, rất khó phát hiện để tiêu diệt. Trong khi đó, Bộ binh cơ giới Syria đã không làm tốt vai trò của mình, và xe tăng Syria thường phải tác chiến mà không có bộ binh yểm trợ, xe tăng với tầm quan sát hạn chế sẽ dễ bị bộ binh địch tiêu diệt. Thế nên việc nhiều xe tăng Quân đội Syria bị hủy diệt là điều dễ hiểu.

Tính đến ngày 30/10/2018, quân đội Syria đã để mất gần 1.400 xe tăng - xe thiết giáp các loại. Số xe bị mất bao gồm cả các xe đã bị bắn cháy, bắn hỏng trong chiến sự, cũng như các xe bị lực lượng đối lập chiếm được. Về xe tăng chiến đấu chủ lực, quân đội Syria mất 763 xe, bao gồm 239 xe tăng T-55, 173 xe tăng T-62 (gồm 26 xe T-62M), 347 xe tăng T-72, và 4 xe tăng T-90. Về xe bọc thép bánh xích, tổn thất lên đến 532 xe, gồm 520 xe BMP-1 và 12 xe BMP-2, và 38 tổ hợp pháo cao xạ tự hành 4 nòng ZSU-23-4 Shilka. Ngoài ra, 36 khẩu pháo tự hành 2S1 Gvozdika (cỡ nòng 122mm) và 3 khẩu 2S3 Akatsiya (cỡ nòng 152mm) bị mất.

Tính đến cuối năm 2019, ước tính đã có hơn 1.500 chiếc xe tăng các loại của Quân đội Syria bị phá hủy hoặc bị chiếm mất, trong đó có 370 xe tăng T-55, 470 xe tăng T-72, 6 xe tăng T-90, 177 xe tăng T-62 và 505 xe tăng không rõ loại. Họ còn mất khoảng gần 1.000 xe thiết giáp và pháo tự hành các loại, gồm 686 xe chiến đấu bộ binh BMP-1, 16 xe chiến đấu bộ binh BMP-2, 60 xe cứu thương bọc thép dựa trên khung gầm BMP-1AMB-S, 97 tổ hợp pháo cao xạ tự hành ZSU-23-4 Shilka, 54 pháo tự hành 2S1 Gvozdika cỡ 122mm, 5 pháo tự hành 2S3 Akatsiya cỡ 152 mm.

Tuy nhiên, qua tổng kết kinh nghiệm tác chiến, một số các đơn vị tinh nhuệ của Quân đội Syria, cụ thể là đặc nhiệm Tiger dưới sự chỉ huy của tướng Suheil al-Hassan đã phát triển các chiến thuật mới làm giảm đáng kể thiệt hại. Họ phát triển chiến thuật “Thành lũy Syria”: Các bờ tường bằng cát hoặc đất được xây dựng dọc phòng tuyến hoặc xung quanh điểm đóng quân, xe tăng sẽ chạy dọc bờ tường đó để đánh trả quân địch. Để xây tường chắn, Quân đội Syria huy động các xe ủi dân dụng hành quân cùng đội hình với xe quân sự. Bờ tường sẽ được dựng lên bí mật trong đêm nhằm phục vụ mục đích phòng thủ hoặc tấn công. Các xe tăng sẽ triển khai đội hình cách nhau 20 - 100 mét và tập trung hỏa lực vào một mục tiêu cụ thể, kíp lái được yêu cầu vừa chạy vừa bắn. Xe tăng liên tục di chuyển giữa các bờ tường và ụ đất, dừng lại và khai hỏa ở các khe hở trong giây lát trước khi chạy sang chỗ khác, khiến hỏa lực chống tăng của đối phương không kịp thao tác để tấn công mục tiêu di chuyển liên tục. Sau khi áp dụng chiến thuật mới, thiệt hại của thiết giáp Syria giảm đáng kể, điều này một lần nữa chứng minh rằng: tính năng của vũ khí chỉ là yếu tố bổ sung, còn yếu tố con người và chiến thuật hợp lý mới là nhân tố chính quyết định thắng bại trong chiến đấu.